Dù đã có vợ con nhưng Cường vẫn yêu một cô gái khác. Trong lần xô xát với người bạn ngăn cản “tình yêu” của mình, Cường đã quật một thanh niên xuống đất khiến nạn nhân tử vong. Điều đau lòng ở vụ án là tất cả họ đều bị câm điếc.
Sáng nay, tòa án TP HCM đã đưa vụ án “giết người” do Tòng Văn Cường (27 tuổi) thực hiện ra xét xử. Cả khán phòng rộng lớn đầy ắp những học sinh trong bộ đồng phục nhưng tất cả đều tịnh yên, hướng mắt về người phụ nữ đang liên tục quơ tay ra dấu để “dịch” lại nội dung vụ án. Họ đến từ một trường khuyết tật trong thành phố.
Trước vành móng ngựa, Tòng Văn Cường đứng ngơ ngác, ánh mắt lộ rõ vẻ hoang mang. Hết lấm lét nhìn Hội đồng xét xử, gã thanh niên lại quay quắt hướng về phía cô giáo Trần Thị Ngời (Hiệu trưởng trường khuyết tật Hy Vọng 1), người có nhiệm vụ phiên dịch diễn biến phiên tòa và lời khai của bị cáo.
Cường cố giải thích không cố ý giết chết nạn nhân. Ảnh: Vũ Mai. |
Theo nội dung vụ án, Cường bị câm điếc bẩm sinh nhưng vẫn được cha mẹ cho học đến lớp 3 của một trường khuyết tật. Bản tính hiền lành, lại có vẻ ngoài khôi ngô nên Cường được hàng xóm hết mực thương yêu, chia sẻ. Vài năm trước, Cường dắt về nhà một cô gái có hoàn cảnh như mình và xin cha mẹ được làm đám cưới. Khó khăn nhưng muốn con trai được hạnh phúc, cha mẹ cậu cũng chạy vay được ít tiền làm mâm cơm “ra mắt” họ hàng.
Hàng ngày, khi người vợ ở nhà chăm lo việc nội trợ, Cường đi đẩy xe thuê để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Cuộc sống đôi vợ chồng khuyết tật càng hạnh phúc hơn khi sinh được một cậu con trai hoàn toàn mạnh khỏe như bao đứa trẻ khác.
Tuy nhiên, trong những lần sinh hoạt với nhóm bạn cùng hoàn cảnh như mình, Cường đem lòng yêu thương một cô gái khác. Biết Cường đã có gia đình, một người bạn của cô gái ra sức ngăn cản khiến đôi bên thường xảy ra mâu thuẫn.
Rạng sáng 17/12/2009, sau khi đi chơi về, Cường chở “người yêu” đến quán của cô bạn kia tại Công viên 23/9 (quận 1). Thấy Cường, cô bạn liền đuổi về nhưng người này lại dùng ghế đập vào tay cô gái. Anh Bình đang ngồi nhậu với nhóm bạn (cũng bị câm điếc) gần đó liền đứng dậy can ngăn, xô Cường té và ra dấu đánh nhau. Vùng dậy, Cường xông đến đấm vào mắt Bình rồi bế ngửa người này lên, buông tay cho rơi tự do xuống nền xi măng nhiều lần.
Sau khi Cường bỏ đi, nhóm bạn thấy anh Bình nằm thở dốc, máu trào ra miệng nên đỡ dậy xức dầu. Tuy nhiên, vài giờ sau đó, bảo vệ công viên phát hiện anh Bình bất tỉnh bên vệ đường liền đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã chết do chấn thương sọ não. Cường bị bắt ngay sau đó.
Các học sinh trường khuyết tật chăm chú theo dõi cô giáo đang "tường thuật" lại diễn biến phiên tòa. Ảnh: Vũ Mai. |
Được đánh giá là phiên tòa đặc biệt nhất trong nhiều năm trở lại đây của TAND TP HCM, thái độ của nữ chủ tọa khá nhỏ nhẹ, dè dặt trong từng câu thẩm vấn. Ngược lại, dù không nói được nhưng Cường luôn tỏ vẻ bức xúc, cố diễn đạt thật nhiều về hành vi phạm tội của mình. Qua phiên dịch, bị cáo cho rằng mình không cố tình giết chết anh Bình mà chỉ vì quá tức giận khi bị anh này đánh.
“Bị cáo là đàn ông nhưng lại đánh một phụ nữ, anh Bình can ra có đúng không?”, chủ tọa hỏi.
“Giờ bị cáo mới thấy anh ấy làm vậy là đúng. Chứ lúc đó cái đầu bị cáo không nghĩ được như vậy”, Cường quơ tay diễn tả sau một lúc trầm tư - “Tôi thấy tội mình nặng. Là bài học đắt cho mình...".
Dưới khán phòng, những học sinh trong bộ đồng phục của trường khuyết tật vẫn dán chặt mắt vào cô giáo riêng của mình. Họ không bỏ sót bất cứ cử chỉ mô tả diễn biến phiên tòa nào từ cô. Thỉnh thoảng, những ánh mắt ngây thơ sáng lên như vừa khám phá ra điều gì đó mới mẻ. Có lúc lại u buồn hướng về bị cáo.
Được tòa gọi đến, cô của nạn nhân nhỏ nhẹ trình bày: “Cháu tôi bị tật bẩm sinh nhưng hiền lắm, đi làm bốc xếp mà cứ bị người ta ăn hiếp hoài. Nhưng thôi, chuyện đã lỡ vậy rồi. Cháu tôi thì mất đi, còn Cường ở trong nhà giam chắc cũng ân hận lắm. Xin tòa xử nhẹ cho nó sớm được về với gia đình”.
Chia sẻ tại phiên tòa, cô Trần Thị Ngời cho biết, hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục trẻ khuyết tật, cô rất hiểu về những con người bất hạnh này. Họ có đầu óc bình thường nhưng suy nghĩ không bình thường. Họ thường hành động theo bản năng mà không thể nhận thức hết được hậu quả. Và đó cũng là lý do cô đưa những học trò khuyết tật của mình đến tham dự phiên tòa này, xem như là một buổi học về pháp luật thực tế nhất.
Cường đau đáu nhìn người thân trước khi lên xe về trại giam. Ảnh: Vũ Mai. |
Giờ nghị án. Người vợ trẻ gầy guộc của Cường mon men đến cửa phòng lưu phạm, ánh mắt đỏ hoe. Thấy hoàn cảnh đôi vợ chồng tội nghiệp, lực lượng cảnh sát tư pháp đã cho phép họ được gặp nhau trong ít phút. Sự hờn dỗi, yêu thương phải đè nén bao ngày cứ hối hả trao cho nhau qua từng ánh mắt, điệu bộ, cử chỉ ra dấu. Họ hỏi han rất nhiều những khó khăn vất vả từ ngày họ xa nhau. Bình xin lỗi vợ về lầm lỗi đã qua. Người này cũng kể cho vợ nghe về cuộc sống trong trại giam, kể cả việc đã bện một chiếc nhẫn bằng chỉ để đeo vào tay vì quá nhớ vợ.
Cho rằng bị cáo đã thực hiện một loạt các hành vi nguy hiểm dẫn đến cái chết của nạn nhân. Nhưng cũng xem xét cho bị cáo vì là người khuyết tật, khả năng nhận thức và điều khiển hành vi hạn chế, gia đình đã khắc phục hậu quả và được phía bị hại xin giảm án… HĐXX đã tuyên phạt Tòng Văn Cường mức án 9 năm tù về tội “giết người”.
Nhìn người vợ trẻ đứng chết lặng dõi theo chiếc xe tù dần mất hút, vị hiệu trưởng trường khuyết tật khẽ thở dài: “Đã từng tham gia nhiều phiên tòa cho người khuyết tật, nhưng tôi chưa từng gặp học trò của mình trong số những bị cáo. Phải chi tất cả những người bị khiếm khuyết đều có thể đến trường, được nhận sự giáo dục bài bản thì xã hội sẽ bớt đi những vụ án đau lòng như thế”.
Vũ Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét