ĐTCK-online) Mặc dù còn rất nhiều lĩnh vực cần tiếp tục được đẩy mạnh cải cách, nhưng theo ông Janamitra Devan, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) và Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Báo cáo Môi trường kinh doanh 2011 vừa được WB và IFC công bố đã ghi nhận rất tích cực đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam.
ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Janamitra Devan về những nội dung cần tiếp tục cải cách về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Đang có những nhận định rằng, Báo cáo Môi trường kinh doanh 2011 đưa ra những đánh giá tích cực hơn những gì diễn ra trên thực tế. Ý kiến ông về vấn đề này như thế nào?
Báo cáo này đã thể hiện được nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng như thành lập doanh nghiệp, vay vốn, giải quyết giấy phép xây dựng… Cần nhớ rằng, trong Báo cáo Môi trường kinh doanh có các cải cách về luật pháp. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng, nếu chỉ cải cách về luật pháp thì chưa đủ, quan trọng hơn là luật pháp đó phải được thực thi hiệu quả.
Việt Nam có thể có những cải cách trong thương mại để giúp các thủ tục hải quan đơn giản và nhanh chóng hơn, nhưng nếu không có một chế độ thương mại cơ bản thì việc cải cách đó cũng không mang lại hiệu quả gì nhiều. Chúng tôi cũng phải nhắc lại là, những lĩnh vực được đề cập trong Báo cáo Môi trường kinh doanh cũng là những lĩnh vực quan trọng đối với Việt Nam, ít nhất là trong vài năm tới.
Các nhà đầu tư vẫn tiếp tục có nhiều kiến nghị trong tháo gỡ khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam. Báo cáo Môi trường kinh doanh đưa ra thông điệp gì về vấn đề này, thưa ông?
Là sự minh bạch. Sẽ khó để hoạt động thương mại được thúc đẩy mạnh hơn khi người ta không chắc chắn được điều gì sẽ diễn ra tiếp theo hoặc không có sự minh bạch trong điều tiết hay các vấn đề khác. Báo cáo Môi trường kinh doanh không ủng hộ nền kinh tế nào chỉ giảm các quy định điều tiết, vì rõ ràng, việc phải có các quy định là cần thiết. Vấn đề nằm ở chỗ làm sao để các quy định ấy phát huy hiệu quả tốt nhất.
Với ý nghĩa như vậy, tôi cho rằng, bất cứ doanh nghiệp nào (dù nước ngoài hay trong nước) khi dự định đầu tư, thì yếu tố đầu tiên họ sẽ trông vào vấn đề minh bạch, rõ ràng, tiếp theo là giảm thiểu những yếu tố không chắc chắn. Khi sự bất định tồn tại, các nhà đầu tư sẽ không thể đưa ra quyết định của mình. Một trong những mục tiêu của Báo cáo Môi trường kinh doanh chính là giảm sự không chắc chắn này, làm cho mọi thứ rõ ràng hơn để các nhà đầu tư có thể tham gia vào môi trường kinh doanh đó.
Ông kỳ vọng điều này sẽ được thực hiện như thế nào?
Tôi không nghĩ có thể giải quyết được triệt để mọi vấn đề, vì bạn biết đấy, mọi việc luôn thay đổi. Chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng, nhưng trong bối cảnh môi trường thay đổi nhanh hiện nay, luôn có những vấn đề mới nảy sinh đòi hỏi Chính phủ phải giải quyết. Ví dụ như vấn đề VND biến động hiện nay và không ai biết điều gì đang xảy ra. Những gì đang xảy ra tại Việt Nam rất khác so với với các nước trong ASEAN và Đông Á. Chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu xem nguyên nhân của hiện tượng này là gì? Và điều này cũng có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy chưa yên tâm về tình hình kinh tế Việt Nam. Tôi nghĩ, những vấn đề như vậy cần được nghiên cứu và đánh giá trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào.
Ông có cho rằng, các nhà đầu tư nên đưa ra những giải pháp cho riêng mình, mà không cần chờ đợi vào hành động của Chính phủ trong việc giải quyết các khó khăn?
Tôi không nghĩ các nhà đầu tư sẽ trông chờ vào việc Chính phủ sẽ làm gì đó cho họ. Tuy nhiên, Chính phủ có thể tạo điều kiện cho mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Tôi nghĩ, vai trò của Chính phủ là mở cửa và để cho khu vực tư nhân “nở hoa”. Đây là lý do tại sao tôi cho rằng, sẽ phải có những cải cách lớn đối với các doanh nghiệp nhà nước (SOEs). Hiện đang có rất nhiều câu hỏi tại Việt Nam về hiệu quả hoạt động của các SOEs; về việc SOEs nên “nhận” bao nhiêu tiền của khu vực công là đủ; liệu các doanh nghiệp này có nên được tư nhân hóa và “ném” ra để cạnh trạnh trong môi trường mở… Tôi nghĩ, cạnh tranh là yếu tố rất tốt cho nền kinh tế, vì điều này sẽ mang lại lợi ích cho cộng đồng thông qua việc cung cấp hàng hóa chất lượng hơn trong khi giá cả lại thấp hơn…
Ông kỳ vọng gì vào việc Chính phủ cam kết đẩy mạnh cải cách môi trường kinh doanh trong thời gian tới, với việc thực thi Đề án 30?
Chính phủ theo đuổi Đề án 30 là rất tốt. Nhưng một số quan điểm từ phía khu vực tư nhân cho rằng, việc cải cách là chưa đủ. Tuy nhiên, điều tích cực là Chính phủ đang cố gắng để thúc đẩy quá trình này. Tôi hy vọng, Chính phủ Việt Nam cũng sẽ tìm ra con đường để phát huy tốt hơn vai trò của khu vực tư nhân. Bởi đôi khi bản thân Chính phủ khó có thể đưa ra được quyết định đúng về việc nên thay đổi các quy định nào nếu không nắm được nguyện vọng của khu vực tư nhân. Cần bàn bạc với khu vực tư nhân một cách thực sự và tôi biết Chính phủ và nhiều vị Bộ trưởng đã và đang làm điều này.
Thủy Nguyên
theo tin nhanh chứng khoán
Theo dòng sự kiện:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét