Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

70 tuổi vẫn dự thi nhân tài đất Việt | GTTT

Với công trình dày công nghiên cứu trong suốt hơn 8 năm trời, tác giả Vũ Văn Bằng, 70 tuổi, đến từ Hoàng Hoa Thám – Ba Đình, Hà Nội,...

«
»

Với công trình dày công nghiên cứu trong suốt hơn 8 năm trời, tác giả Vũ Văn Bằng, 70 tuổi, đến từ Hoàng Hoa Thám – Ba Đình, Hà Nội, đã trở thành tác giả lớn tuổi nhất tham dự Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2010.

Công trình của tác giả Vũ Văn Bằng mang nhiều ý nghĩa dân sinh khi nghiên cứu về hiện tượng mới của vật lý, để khi áp dụng vào thực tế có thể phát hiện chính xác các vết nứt công trình, tìm hài cốt, nguồn nước ngầm…

Tác giả Vũ Văn Bằng. (Ảnh: VnMedia)

Từ những trăn trở thực tiễn

Ý tưởng này đã được tác giả Vũ Văn Bằng, khi đó đã 62 tuổi, nhem nhóm từ những đề tài giải quyết tình trạng khan hiếm nước cho đồng bào vùng cao núi đá từ năm 2002. Khó khăn lớn nhất của tình trạng này chính là tìm ra được các nguồn nước (nước ngầm vách núi) cũng như phát hiện các đứt gẫy, nứt nẻ hang động để chống thấm mất nước cho hồ chứa.

Tuy nhiên, phương pháp địa vật lý – phương pháp truyền thống (hiện trên thế giới và trong nước đang sử dụng) tỏ ra bất lực hay chỉ cho kết quả rất hạn chế và không chính xác, thậm chí không thể áp dụng được vì địa hình đa số là vùng núi cao hiểm trở, cấu trúc địa hình phức tạp.

Từ những trăn trở đó đã thôi thúc tác giả đặt ra câu hỏi với ý tưởng là liệu có nguyên lý nào khác với nguyên lý trong phương pháp thăm dò điện, liệu có phương pháp và máy móc nào vừa đơn giản, gọn nhẹ, nhanh chóng vừa có độ chính xác cao để tìm kiếm và phát hiện ra nước ngầm, nứt nẻ, hang động ngầm hoặc các đối tượng khác tương tự,…

Từ đó theo thời gian, ý tưởng trên dần dần trở thành hiện thực. Trước hết là tìm hiểu một hiện tượng vật lý nẩy sinh trong lòng đất. Đó là trường điện tự nhiên cục bộ mà địa chất vật lý đã phát hiện và lợi dụng tính chất trường điện này để tìm khoáng sản, nước ngầm,… Từ đây tác giả đã phát hiện ra một hiện tượng vật lý khác đi kèm hay song hành với trường điện, đó là trường từ.

Với phát hiện mới này, tác giả đã bắt tay nghiên cứu ngay về hiện tượng bức xạ từ cả về mặt lý thuyết, phương pháp lẫn chế tạo máy móc. Sau hơn 8 năm trời, công trình nghiên cứu đã thành công và đang được áp dụng rộng rãi phục vụ phát triển dân sinh trên mọi miền đất nước.

Kết quả nhiều ý nghĩa

Tác giả đã tự tin khẳng định rằng, đây là sản phẩm hoàn toàn mới chưa có trên thế giới và trong nước. Điều này thể hiện cả về mặt lý thuyết, phương pháp và chế tạo máy.

Về mặt lý thuyết, tác giả đã cho ra đời lý thuyết về một hiện tượng mới trong vật lý điện từ – “bức xạ từ trường động thứ cấp bậc 2”. Để trên cơ sở đó cho ra đời tiếp một loạt phương pháp nhằm phát hiện và tìm kiếm các đối tượng không nhìn thấy bằng mắt thường hoặc bị che khuất cũng như cho ra đời máy nhận biết trường bức xạ từ. Tác giả gọi máy này là “máy bức xạ từ động”, ký hiệu BXT-09. Máy hoạt động dựa trên nguyên lý tương tác Điện-Từ, có thể phát hiện các đối tượng mà mắt thường không nhìn thấy hoặc vật bị che khuất.

Sản phẩm đã và đang được ứng dụng trong thực tế phục vụ phát triển kinh tế dân sinh trên toàn quốc trong nhiều lĩnh vực. Cụ thể, máy có thể phát hiện các bức xạ có hại từ điện thoại di động, máy vi tính, TV, điện cao thế,…

Còn đối với các đối tượng bị che khuất, máy được dùng để dò tìm khuyết tật mặt đường, phát hiện tia đất có hại, phóng xạ, mồ mả hài cốt, phát hiện các sự cố nứt vỡ, rò rỉ dưới các công trình ngầm,… Theo tác giả, với phương pháp này, máy có thể phát hiện chính xác 100%, nhanh gọn và tốn ít chi phí. Điển hình như dự án cấp nước khu kinh tế Hòn La Quảng Bình 2009-2010. Nếu dùng phương pháp địa vật lý sẽ tốn trên 2 tỷ đồng với độ chính xác chỉ đạt 10% nhưng nếu dùng phương pháp địa bức xạ từ chỉ tốn 800 triệu và có độ chính xác 100%. Kết quả này đã được kiểm chứng trong thực tế.

Trên thực tế, máy đã được sử dụng trong nhiều dự án cấp nước như ở Quảng Bình, Hòa Bình, Đồng Nai,…cũng như áp dụng để tìm nguồn nước ngầm cho nhà máy xi măng Quảng Trạch (2010), Tân Tạo (Hà Nam 2010),…

Bên cạnh đó, sản phẩm cũng đã được áp dụng vào việc tìm mộ liệt sỹ. Cụ thể đã tìm được mộ tập thể 173 liệt sỹ ở Cồn Tiên, Dốc Miếu huyện Gio Linh, 600 liệt sỹ ở DaKrông năm 2007, tìm mộ thất lạc cho hàng trăm gia đình trên khắp đất nước,…

Tuy nhiên, theo tác giả tự đánh giá, máy vẫn còn khá cồng kềnh và đòi hỏi người sử dụng cần nhiều thời gian để làm quen. Trong thời gian tới, tác giả sẽ tiếp tục nghiên cứu để có thể gọn nhẹ hơn nữa cỗ máy này cũng như đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Theo VnMedia/Nhantaidatviet

---------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét