Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010

Gặp gỡ 9X cháu nội 'Bí thư tỉnh ủy'

Kim Hoàng Tùng, cháu nội của bí thư Kim Ngọc (hiện thân ngoài đời của nhân vật chính phim truyền hình Bí thư tỉnh ủy) đang là sinh viên Ngoại giao, một 9X trẻ cùng niềm háo hức được biết và hiểu nhiều hơn nữa về người ông đáng kính.
50 tập phim hoành tráng nhất về đề tài nông thôn, nằm trong dòng phim chính luận của Đài truyền Việt Nam mang tên Bí thư tỉnh ủy đang được trình chiếu vào lúc 20h10 thứ 2,3,4 hàng tuần và đón nhận khá nhiều sự quan tâm của khán giả. Bộ phim xây dựng dựa theo nguyên mẫu bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc - cha đẻ khoán 10, người Lãnh đạo không hề có học vấn cao, nhưng lại là nhân tài nhìn xa trông rộng, đi tiên phong trong việc xây dựng những đường lối đổi mới. Bí thư tỉnh ủy được coi là sự kiện quan trọng nhất tại thời điểm này khi thủ đô Hà Nội đang tiến tới sự kiện 1000 năm Thăng Long- Hà Nội và chắc hẳn bộ phim sẽ đem lại rất nhiều ý nghĩa đối với gia đình bí thư đảng ủy Kim Ngọc.
Gặp gỡ 9X cháu nội 'Bí thư tỉnh ủy'
Zing đã có cuộc trò chuyện ngắn với cháu nội của bí thư Kim Ngọc - Kim Hoàng Tùng.
- Bạn có thể chia sẻ cảm giác đón chờ bộ phim “Bí thư tỉnh ủy” hiện giờ của mình? Với cá nhân Kim Hoàng Tùng thì nó có ý nghĩa riêng gì về tình cảm và truyền thống gia đình ?
- Thật sự trong suốt thời gian bộ phim được xây dựng và chờ được công chiếu, mình đã rất hồi hộp và háo hức. Thời gian ấy quả thực không ngắn, nhiều lúc mình cũng thấy sốt ruột, nhưng bây giờ thì hết rồi, mà thay vào đó là tâm trạng háo hức chờ các tập tiếp theo.
Mình rất hãnh diện và vinh dự khi biết sẽ có một bộ phim về ông. Ông nội mình là một người có công với đất nước, với nhân dân, nhưng trong quá khứ ông lại bị hiểu lầm và chịu quá nhiều thiệt thòi, uất ức. Mặc dù sau đó công lao của ông đã được thừa nhận, nhưng lúc ấy thì ông đã không còn cười được nữa rồi. Bộ phim “Bí thư tỉnh ủy” là một niềm vinh dự và an ủi lớn cho ông cũng như gia đình mình
Gặp gỡ 9X cháu nội 'Bí thư tỉnh ủy'
- Xem xong tập đầu bộ phim, bạn có cảm xúc và suy nghĩ gì?
- Hết tập 1, mình nhận thấy những châm biếm kín đáo đi kèm với sự mâu thuẫn sâu sắc ở nông thôn thời bấy giờ. Có lẽ bộ phim đang muốn đẩy mâu thuẫn này lên đến đỉnh điểm để buộc người dân phải tìm ra hướng giải quyết mới. Mình rất tâm đắc với câu nói trong đó: “Một chiếc xe mắc kẹt, nếu can đảm lùi lại tìm hướng đi mới, có thể sẽ đến đích nhanh hơn”. Đây có lẽ cũng là tư tưởng chủ đạo của bộ phim.
- Có bao giờ bạn tò mò tìm hiểu về câu chuyện của ông nội và về thời của ông?
- Ông nội mình mất khi mình còn chưa ra đời, vì vậy hình ảnh của ông, cuộc sống của ông chỉ được tái tạo qua lời kể của lớp người đi trước. Nhưng chính điều này lại càng làm thôi thúc trí tò mò của mình, khiến mình thường lục lọi tìm hiểu về những gì xung quanh ông. Bạn biết đấy, trong quá trình đó đôi khi cũng có những bức xúc nhất định nhưng mỗi khi biết thêm một điều mới về ông nội, mình đều cảm thấy rất vui.
- Ở nhà, bạn có được nghe kể nhiều về ông nội không, điều gì bạn “ảnh hưởng” nhất về người ông đáng kính của mình?
- Trong mỗi bữa cơm, cả nhà mình thường hay nhắc đến ông. Nhất là bà nội. Từ những thói quen sinh hoạt, lời nói hành động, ngay cả những suy nghĩ trăn trở cũng đều được bà thuật lại rõ ràng. Có lẽ điều mình ảnh hưởng nhất ở ông nội là thói lỳ. Kể về cái sự lỳ, ông nội mình “lỳ” khủng khiếp và di truyền tới cả đời sau. Bà nội cũng bảo trong các cháu, mình giống ông nội nhất ở khỏan đấy.
- Bạn học hỏi được điều gì về truyền thống gia đình và từ người ông đáng kính của mình?
- Từ lúc mình bé đã được nghe những câu chuyện về cuộc đời hoạt động đấu tranh của ông. Bà mình, bố mình, các bác các cô cũng thường nói với lứa tụi mình: “Làm đúng thì không sợ bị hiểu nhầm, cũng không sợ bị khiển trách. Đúng sai về sau sẽ rõ cả.”. Mình luôn tâm niệm điều ấy và cố gắng làm theo. Đôi khi cũng không kìm được những ức chế, nhưng sau đó tìm tự nhủ: rồi người ta sẽ hiểu ra thôi.
- Tuổi trẻ mỗi thời đều có một lý tưởng. Theo cá nhân Tùng, tuổi trẻ thời nay có còn duy trì được điều đó đối với cuộc sống bản thân, gia đình và xã hội?
- Tuổi trẻ luôn là tuổi của nhiệt huyết, của khát khao. Ai cũng có lí tưởng cho riêng mình, nhưng theo như mình thấy, rất nhiều bạn đang có những “lý tưởng” sai lệch thậm chí là hoang tưởng. Các bạn ấy tự đặt cho mình những “lí tưởng” nhưng thực chất là những mơ mộng xa vời huyễn hoặc, vừa không tốt cho bản thân lại chẳng giúp ích được gì cho gia đình hay xã hội.
- Các bạn trẻ hiện nay không có hứng thú nhiều với việc tìm hiểu lịch sự của dân tộc, thậm chí các bài thi đại học môn lịch sử còn trở thành thứ gây cười. Bạn có suy nghĩ thế nào về hiện trạng này?
- Bản thân mình nói thực cũng không thích môn lịch sử, đành rằng lịch sử của chúng ta rất hay, hào hùng bi tráng nhưng vấn đề muôn thuở vẫn là chúng ta không biết cách dạy, không tập trung vào phần trọng yếu mà lại kéo lê thê những thứ không cần thiết. Nhiều lần, bà mình nói lẽ ra sách giáo khoa phải nhắc về ông,nhưng cuối cùng thì đại bộ phận giới trẻ học xong lớp 12 cũng không biết ông Kim Ngọc là ai. Bên cạnh đó sự khô khan có lẽ là một nguyên nhân khiến giới trẻ không có nhiều hứng thú với bộ môn này. Có lẽ phải tìm những cách tiếp cận khác mới giúp mới cải thiện được tình trạng này.
- Hà Nội đang hướng tới đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội, là một 9X trẻ, bạn mong muốn điều gì ?
- Mình thực sự mong muốn được góp một phần công sức vào dịp đại lễ này thông qua những hoạt động tình nguyện, tuyên truyền...Nhân dịp này, mình cũng rất háo hức muốn giới thiệu nhiều vẻ đẹp của Hà Nội cho các bạn bè nước ngoài, kể cho họ nghe lịch sử hào hùng hay những giai thoại thú vị của dân tộc ta. … nhìn cảnh thủ đô náo nức trang hoàng cho ngày trọng đại, mình cảm thấy nếu không góp sức vào thì thật uổng danh 9X.
- Cảm ơn bạn vì cuộc trò chuyện ý nghĩa này!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét